Giò chả dát vàng tiền triệu ngày vía Thần tài, ăn cả vàng để… thụ lộc
Khi biết đến món giò, chả dát vàng rất hợp với ngày vía Thần tài, chị Minh đã không ngần ngại xuống tiền mua để cúng cho trang trọng và có thể thụ lộc cả vàng luôn.
Trong ngày vía Thần tài, bên cạnh việc đi mua vàng lấy may, nhiều người còn chuẩn bị những mâm cỗ cúng thịnh soạn để cầu mong một năm nhiều may mắn, tài lộc.
Năm nay, bên cạnh các món ăn quen thuộc như cá lóc nướng, thịt heo quay, bánh trái hình thỏi vàng… một số gia đình còn cầu kì mua thêm món giò lụa, chả quế dát vàng.
Giò, chả dát vàng - món mới trên mâm cúng Thần tài. (Ảnh: HM).
Là một người làm ăn buôn bán, chị Hồng Minh (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất coi trọng việc cúng lễ trong ngày vía Thần tài. Được người quen giới thiệu, chị đã đặt mua một phần giò dát vàng về bày trong mâm cỗ cúng.
Theo chị Minh, trước đây chị đã nghe kể nhiều về các món ăn dát vàng như bánh bông lan dát vàng, thịt bò dát vàng, cá dát vàng, thậm chí có cả kem dát vàng. Nhiều loại rượu cũng chứa vàng 24k bên trong được rao bán với lời quảng cáo là "tốt cho sức khỏe, diệt khuẩn".
Vì vậy khi biết đến món giò, chả dát vàng rất hợp với ngày vía Thần tài, chị đã không ngần ngại xuống tiền mua để cúng cho trang trọng và có thể thụ lộc cả vàng luôn.
Theo tìm hiểu, giá của các loại giò, chả thông thường chỉ khoảng 170.000 đồng - 200.000 đồng/1 kg. Tuy nhiên, giá giò lụa, chả quế dát vàng chênh lệch khá lớn, một phần 200g có giá bán 179.000 đồng.
Một khoanh giò được dát vàng. (Ảnh: HM).
Chị Lê Vân Anh, quản lý cửa hàng cho ra đời món giò, chả dát vàng chia sẻ, biết được tâm lý nhiều người thường ưa chuộng các sản phẩm liên quan đến vàng trong ngày vía Thần tài, cửa hàng đã nảy ra ý tưởng dát vàng cho giò, chả - loại thực phẩm luôn có trên các mâm đồ cúng.
Chị Vân Anh cùng các thành viên cửa hàng mất khoảng 3 tháng trước Tết để hiện thực hóa ý tưởng này. Họ bắt tay vào tìm hiểu loại vàng phù hợp để dát cho thực phẩm. Cuối cùng cửa hàng quyết định chọn lá vàng loại 23kara, được nhập khẩu từ Đức, vốn được sử dụng phổ biến và có đầy đủ giấy tờ đảm bảo.
"Vàng có thể ăn được do có tính trơ nên không thể hấp thu, độ tinh khiết tuyệt đối. Chúng tôi hi vọng sự hòa quyện giữa vị thơm ngon đặc trưng của giò, chả và kim loại quý sẽ mang lại may mắn và cảm nhận khác biệt cho khách hàng", quản lý cửa hàng này cho hay. (Ảnh: VA).
Mỗi khoanh giò hoặc chả sẽ được dát từ 1/2 đến 1 lát vàng lên bề mặt. Thành phẩm làm ra là miếng giò, chả truyền thống thơm ngọt, mềm mịn dát thêm một lớp vàng mỏng nguyên chất bên ngoài trông rất đẹp mắt, lấp lánh.
Quản lý cửa hàng này cho biết, trong hai ngày vừa qua, cửa hàng này bán được khoảng 100 phần giò, chả dát vàng. Khách hàng phản hồi khá tốt, nhiều khách còn cho biết sẽ đặt hàng lâu dài.
Cửa hàng này dự định, sau ngày vía Thần tài sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm này vào các ngày rằm, mùng 1 hoặc các dịp lễ quan trọng trong năm để phục vụ nhóm khách hàng muốn có các món đồ cúng vừa truyền thống vừa cao cấp.
Trào lưu đồ ăn dát vàng nở rộ tại nước ta khoảng 5 năm trở lại đây. Nhiều cửa hàng thực phẩm từ Hà Nội tới TP. HCM đồng loạt bán kem dát vàng 24kara, lẩu cá dát vàng, bánh ngọt dát vàng... Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền cao gấp hàng chục lần so với các món ăn cùng loại để được thưởng thức đồ ăn dát vàng.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, cho vàng vào đồ ăn thức uống là thú chơi sang chảnh của giới nhà giàu trên thế giới và mấy năm gần đây xuất hiện ở Việt Nam.
Ở các nước, vàng được dùng trong chế biến thực phẩm với vai trò trang trí. Các đầu bếp sẽ cán vàng thành những màng cực mỏng, sau đó thái thành sợi hoặc tán thành vụn nhỏ để rắc lên món ăn cho lấp lánh, sang trọng. Tuy nhiên, họ chỉ dùng rất ít nên chi phí không đáng kể.
Một khoanh giò được dát vàng. (Ảnh: HM).
Về quan niệm của một số người cho rằng, vàng và bạc có tính diệt khuẩn tốt nên ăn vào có lợi cho sức khỏe, vị chuyên gia khẳng định điều này hoàn toàn không đúng.
Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, việc ăn vàng không có lợi cũng không gây hại. Vàng nếu được tán thành vụn và hoặc cán mỏng, thái sợi ăn vào cơ thể sẽ không tác động cơ học đến dạ dày. Tuy nhiên, chúng cũng không tiêu được và sau đó lại đào thải ra ngoài. "Nói chung chỉ tốn tiền chứ không có lợi lộc gì", vị này nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này lưu ý, ngày nay vì biết nhiều người có sở thích ăn đồ dát vàng nên nhiều nơi đã sử dụng vàng dởm - các loại kim nhũ để "mạ" cho đồ ăn. Các loại nguyên liệu này rất nguy hiểm vì nó là các hợp chất hóa học, chất hữu cơ, không tốt cho sức khỏe. Người dân cần hết sức cẩn trọng, "đừng thấy lấp lánh mà tưởng là vàng". Nếu muốn tốt cho sức khỏe nên mua các loại thực phẩm thịt, cá, rau, củ, quả an toàn để bồi bổ hàng ngày.
Bạn đang xem: Giò chả dát vàng tiền triệu ngày vía Thần tài, ăn cả vàng để… thụ lộc
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Mua vàng vía Thần Tài, sau 5 năm lãi gần 30 triệu đồng/lượng
- Chị bán cá 'ôm' 150 triệu từ Điện Biên xuống Hà Nội mua vàng vía Thần Tài
- Giá vàng hôm nay 10/2: Đồng loạt tăng mạnh đón Thần Tài
- Cảnh mua vàng trái ngược tại Hà Nội - TP HCM trong ngày vía Thần tài
- Cúng vía Thần Tài: Mâm cỗ hải sản đỏ rực giá 2 triệu đồng
- Ngày vía Thần tài: Mua vàng thế nào để không thua lỗ?