Giá vàng lao dốc, nhẫn trơn mất 6 triệu đồng: Liệu còn giảm sâu?

Giá vàng thế giới giảm rất mạnh sau khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống thứ 47 của Mỹ. Vàng nhẫn trơn trong nước giảm 5-6 triệu đồng/lượng. Giá vàng sẽ ra sao trong thời gian tới, liệu có tiếp tục giảm sâu?

Giá vàng lao dốc

Thị trường vàng thế giới vừa chứng kiến một đợt giảm giá hiếm có, với mức giảm khoảng 100 USD/ounce, từ mức 2.740 USD/ounce có lúc về gần 2.640 USD/ounce, sau khi có thông tin ứng cử viên đảng Cộng hòa trúng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới.

Trước bầu cử, một đợt giảm giá đã diễn ra khi nhiều tín hiệu cho thấy lợi thế nghiêng về ông Donald Trump. Từ đỉnh cao lịch sử 2.789 USD/ounce (86,4 triệu đồng/lượng) ghi nhận hôm 30/9, vàng về mức 2.740 USD.

Đầu năm 2024, giá vàng chỉ 2.063 USD/ounce. Tới cuối tháng 10, mức tăng là hơn 35%.

Vàng giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng khá nhanh trở lại. Giới đầu tư tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ bứt phá, vị thế nước Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn dưới thời ông Donald Trump. Quốc gia nào không sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế sẽ phải dè chừng với tuyên bố “đánh thuế 100% với quốc gia từ bỏ USD” của vị tổng thống thứ 47.

Trong nhiều năm qua, vị thế của đồng USD suy yếu và được dự báo tiếp tục xu thế này trong bối cảnh nhiều nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, cắt giảm giao dịch bằng đồng USD cũng như hạ dự trữ đồng tiền của Mỹ.

Sự mở rộng thành viên của nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS), với việc kết nạp thêm 5 thành viên gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi đầu năm 2024, bên cạnh các thành viên cũ gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi... khiến nhiều người nghi ngại về vị thế của đồng USD.

Trong diễn đàn gần nhất (diễn ra từ 22-24/10), Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện tại hội nghị BRICS với tờ tiền lạ trên tay chưa thể khiến giới đầu tư tin tưởng về sự sớm ra đời của một đồng tiền chung mới. Nhưng nó cũng ảnh hưởng tới triển vọng của đồng USD.

Triển vọng của vàng cũng kém tươi sáng sau khi nước Mỹ lựa chọn tổng thống nhiệm kỳ mới. Ngay trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng, ông Donald Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc chiến tranh, không muốn dùng đến quân đội. Trong nhiệm kỳ 2017-2021 của mình, Mỹ dưới thời ông Trump hầu như không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang lớn nào mới, ngoại trừ việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong thời gian ngắn kỷ lục.

Giá vàng lao dốc, nhẫn trơn mất 6 triệu đồng: Liệu còn giảm sâu?-1

Giá vàng nhẫn có lúc giảm 5-6 triệu đồng/lượng. Ảnh: MH

Trước đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraina "trong vòng 24 giờ" nếu trúng cử, thậm chí trước khi chính thức nhậm chức tổng thống.

Đây là những thông tin tiêu cực đối với vàng. Vàng thường tăng giá khi căng thẳng địa chính trị leo thang.

Vàng lao dốc có thể còn do dòng tiền đang tìm đến nhiều kênh đầu tư hơn. Ngay khi có tin ông Trump trúng cử, thị trường tiền số đã nổi sóng, đồng Bitcoin tăng từ mức 69.000 USD/BTC có lúc lên gần 77.000 USD và hiện là 76.000 USD.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt, liên tiếp lập đỉnh cao mới. Giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ đổ về Mỹ, đổ vào các ngành sản xuất và kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc.

Vàng sẽ giảm sâu hơn hay quay đầu tăng mạnh?

Dự kiến, ông Trump sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2025, tức hơn 2 tháng nữa.

Câu hỏi được đặt ra là triển vọng thị trường vàng sẽ ra sao, giá vàng có còn giảm sâu hay giảm nhẹ, hoặc quay đầu tăng mạnh trở lại?

Với mức giá 2.692 USD/ounce tính đến 20h45 ngày 8/11 (giờ Việt Nam), vàng đã giảm gần 3,5% so với mức đỉnh 2.789 USD/ounce ghi nhận hôm 30/10. Còn so với đầu năm, giá vàng vẫn tăng 30,5%.

Như vậy, có thể thấy, mức điều chỉnh chưa nhiều. Đã có những dự báo vàng có thể điều chỉnh giảm về 2.500 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 10%, trước khi quay đầu tăng trở lại vào cuối năm và trong năm sau. Nhưng số lượng các dự báo vàng về 2.500 USD không nhiều.

Phần lớn dự báo của các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, WB, WGC,... đều cho rằng vàng vẫn đang trong xu thế uptrend tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới bắt đầu vào chu kỳ hạ lãi suất.

Trên thực tế, trong một xu hướng tăng, những đợt điều chỉnh giảm 5-7%, thậm chí 15%, không phải hiếm đối với nhiều loại hàng hóa. Nhưng với vàng, mức giảm 10-15% không nhiều, bởi xu hướng chung của vàng là tăng giá theo lạm phát trên thế giới.

Đợt tăng từ đầu năm là rất lớn, có lúc đạt 35%; còn nếu so với giữa tháng 11/2023, mức tăng có lúc lên tới 43%. Một cú điều chỉnh 8-10% cũng có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ có tổng thống mới là ông Trump. Hồi năm 2022, giá vàng từng giảm với mức 8-9%.

Một số chuyên gia cho rằng, cú giảm 100 điểm của giá vàng hôm 6/11 là phản ứng quá mức với kết quả bầu cử Mỹ. Nhưng nếu nhìn toàn cảnh, với mức giảm tương đối là chưa tới 3,5% (sau khi đã tăng 35% từ đầu năm), thì đây chưa phải con số lớn.

Tuy nhiên, với xu hướng đồng USD suy giảm, lạm phát có thể gia tăng theo đà hạ lãi suất và tăng bơm tiền của rất nhiều nước, vàng sẽ được hỗ trợ không giảm quá sâu.

Vào sáng 8/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới bật tăng thêm khoảng 55 USD, từ mức thấp dưới 2.650 USD lên trên ngưỡng 2.700 USD sau khi Fed giảm lãi suất lần hai, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Nhưng sau đó, vàng lại giảm về mức 2.680-2.690 USD/ounce.

Về dài hạn, vàng được dự báo tiếp tục tăng, có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025. Nhưng trước mắt, thị trường vàng có thể biến động mạnh, áp lực giảm trước những tuyên bố hoặc/và chính sách của ông Trump vẫn hiện hữu.

Bạn đang xem: Giá vàng lao dốc, nhẫn trơn mất 6 triệu đồng: Liệu còn giảm sâu?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết