Du lịch đêm ở Việt Nam: Bao giờ hết cảnh “ngủ sớm”, nhàm chán?

Các sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam được đánh giá còn đơn điệu, nhàm chán và ít có sự đổi mới thường xuyên. Thậm chí, ở những trung tâm lớn, du khách trong nước và quốc tế vẫn chịu cảnh "ngủ sớm."

“Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đi Đà Nẵng và đã quá quen thuộc với hành trình đi thuyền trên sông Hàn, ngắm bến du thuyền Marina, ẩm thực chợ đêm thì ngày có gì đêm có đó, xem cầu Rồng phun lửa nhiều cũng chán, trò chơi cảm giác mạnh ở Công viên châu Á lại không phù hợp với gia đình có con nhỏ… Trong khi đường xá thành phố biển này tầm 10 giờ đêm là đã bắt đầu vắng người,” chị Ngọc Mai, du khách từ Hà Nội chia sẻ.

Mặc dù Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống, sôi động và hấp dẫn cả du khách nội địa và quốc tế nhưng thực tế sản phẩm du lịch đêm chưa có nhiều đột phá suốt nhiều năm qua. Thực trạng này cũng tiếp diễn ở hầu hết các điểm đến du lịch trên cả nước, cũng bởi thiếu chính sách khuyến khích cũng như quy hoạch dành cho sản phẩm du lịch đêm.

Du lịch “ngủ sớm”

Theo Cục Du lịch Quốc gia, hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế… đang diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, càphê, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí… Du lịch đêm Việt Nam chưa có tổ hợp giải trí đêm riêng biệt hay khu thương mại mua sắm xuyên đêm… nên thiếu tính đặc sắc và sức hút với du khách.

Thủ đô Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, nổi tiếng có khu phố cổ sầm uất, phố đi bộ. Thế nhưng đến khu vực này trong tuần du khách chủ yếu chỉ biết đến vài quán bia vỉa hè, bar, pub ở phố Tạ Hiện hay Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm).

Akimitsu Yamanobe (Nhật Bản) cho biết đã đến Việt Nam nhiều lần trong những chuyến công tác và du lịch cá nhân. “Mặc dù yêu mến đất nước các bạn nhưng tôi mong sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động giải trí, nghệ thuật về đêm hơn nữa. Cả những tụ điểm dành cho du khách dường như cũng đang ‘ngủ sớm’ quá và khá nhàm chán, nhiều khi tôi muốn ở chơi lâu hơn mà chẳng có gì…,” Akimitsu cho hay.

Du lich dem o Viet Nam: Bao gio het canh “ngu som”, nham chan?

Du khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực đêm Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Rõ ràng, Hà Nội có thế mạnh ẩm thực độc đáo, các điểm di tích lịch sử đặc sắc… nhưng đáng tiếc, hiện các cấp quản lý mới thí điểm mở rộng hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng tại khu vực phố cổ vào những ngày cuối tuần. “Chúng ta đang quá lãng phí nguồn tài nguyên, mà lẽ ra nếu được quy hoạch và quản lý tốt, các sản phẩm du lịch đêm sẽ là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho địa phương,” đại diện một đơn vị lữ hành chuyên đón khách quốc tế ở Hà Nội nói.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch đêm ở ta vẫn đơn điệu là bởi bất cập về thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, thiếu quy hoạch không gian riêng, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển, nhận thức và tư duy về sản phẩm du lịch đêm còn hạn chế…

Cần hoàn thiện cơ chế quản lý

Lãnh đạo một số đơn vị lữ hành nhấn mạnh việc trung bình du khách dành tới 70% mức chi tiêu trong chuyến đi vào các hoạt động ban đêm. Bởi ban ngày họ chủ yếu đi tham quan theo chương trình tour, buổi tối mới dành thời gian khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác. Đáng tiếc là hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố đang xem du lịch là kinh tế mũi nhọn vẫn chưa đầu tư sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, muốn kinh tế ban đêm phát triển cần phải có bộ máy và cơ chế quản lý phù hợp, quy hoạch cụ thể, có không gian và thời gian thích hợp.

Du lich dem o Viet Nam: Bao gio het canh “ngu som”, nham chan?-Hinh-2

Một khu vui chơi về đêm ở Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chuyên gia này gợi ý hiệu quả nhất là tập trung vào văn hóa ẩm thực, những loại sản phẩm mang tính địa phương nổi trội. Bởi Việt Nam có nền ẩm thực vô cùng phong phú, trong khi dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu dùng ban đêm. Ngoài ra, nên khai thác cả yếu tố giải trí, hệ thống di tích văn hóa-lịch sử, hệ thống bảo tàng, nhà hát…

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Theo Đề án, cả nước sẽ tập trung 5 mô hình sản phẩm du lịch đêm bao gồm: mô hình các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Lộ trình triển khai đề án này sẽ kéo dài tới 2030.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng để các hoạt động du lịch đêm hiệu quả, công tác quản lý cũng cần được đặt ra. Theo đó, cơ quan chức năng của các địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động du lịch đêm cũng như khai thác tối đa tiềm năng mô hình này, bao gồm: loại hình kinh doanh, khu vực kinh doanh, giấy phép hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động, quy định về giao thông ban đêm, an ninh trật tự, phân cấp cho địa phương trong quản lý và phát triển du lịch ban đêm.

Chỉ khi quản lý tốt được các hoạt động đó mới bảo đảm duy trì môi trường cho du lịch đêm phát triển bền vững, an toàn cho du khách tham gia trải nghiệm, "khách đến nhà được thỏa sức chơi đêm tới bến".

Du lich dem o Viet Nam: Bao gio het canh “ngu som”, nham chan?-Hinh-3

Hội An về đêm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Mai Mai/Vietnam+

Bạn đang xem: Du lịch đêm ở Việt Nam: Bao giờ hết cảnh “ngủ sớm”, nhàm chán?

Chuyên mục: Du lịch

Chia sẻ bài viết