Đánh thuế BĐS thứ 2: Cần nhưng không vội

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ 2, bất động sản bỏ hoang là điều cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc thời điểm áp dụng nhất là trong bối cảnh giá nhà đất neo cao. Bởi nếu không chọn đúng thời điểm áp dụng sẽ gây tác dụng phụ khiến giá nhà đất vẫn tăng, áp lực cho đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Lo giá nhà đất tiếp tục tăng

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội nhấn mạnh, lĩnh vực thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Tại nghị trường, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản, bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá nhà.

Bộ Xây dựng mới đây cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.


Đánh thuế BĐS thứ 2: Cần nhưng không vội-1Nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên áp thuế với trường hợp sở hữu bất động sản thứ hai trở lên mà đánh thuế vào những trường hợp đầu cơ, bất động sản bỏ hoang.

Đề xuất đánh thuế bất động sản đã từng được Bộ Tài chính nêu ra nhiều lần, nhưng chưa được thực thi do gặp phản ứng của dư luận. Trong bối cảnh giá nhà đất neo cao, đề xuất này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ 2, bất động sản bỏ hoang là điều cần thiết, tuy nhiên, cần cân nhắc thời điểm áp dụng.

Cũng theo ông Lượng, Nhà nước cần phải nghiên cứu việc đánh thuế đúng và trúng đối tượng. Việc áp dụng thuế ngay lúc này như “đánh chuột không đậy cửa hàng”, tránh việc đánh thuế không đúng, không trúng đối tượng. Dẫn đến có người bị đánh thuế, có người không. Người bị đánh thuế cao, người bị đánh thuế thấp. Giải pháp cho vấn đề này là cần phải xây dựng bộ dữ liệu bất động sản chuẩn thì mới đánh thuế chuẩn được.

Đồng thời, TS Trần Xuân Lượng cũng cho rằng việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên cần tính theo giá trị và giá trị gia tăng. Ông lấy ví dụ, nếu một người có bất động sản thứ 2, thứ 3 rất nhỏ, tính tổng diện tích cộng lại chỉ bằng 1/10 bất động sản thứ nhất của một người khác, vậy nếu chỉ căn cứ vào bất động sản thứ 2 trở lên mà không căn cứ vào giá trị của bất động sản đó để đánh thuế thì sẽ không hợp lý. Hay trường hợp bất động sản đó được mua 1 tỷ đồng, nhưng khi bán được 1,5 tỷ đồng, thì Nhà nước đánh thuế vào giá trị gia tăng này.

Vị chuyên gia lo ngại việc xác định đối tượng bị đánh thuế bất động sản thứ 2 nếu không dựa trên giá trị, quy mô bất động sản đó sẽ gây áp lực cho người có nhu cầu ở thực. Ông Lượng đề xuất việc xây dựng lộ trình đánh thuế bất động sản trong 2-3 năm tới để đảm bảo lợi ích số đông người dân.

Ngoài ra, để điều tiết hạ giá nhà đất, Nhà nước cần có nhiều biện pháp khác nhau, nhằm xử lý bài toán về "cung - cầu" cân bằng.

Áp lực lên đại đa số người dân có nhu cầu ở thực

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội đánh giá, mục đích quan trọng của việc đánh thuế là hướng đến hạn chế tình trạng đầu cơ, mua giữ đất đai nhưng không đưa vào khai thác sử dụng. Đó cũng chính là mô hình thuế mà nhiều quốc gia đang thực thi để điều tiết thị trường bất động sản.

"Tuy nhiên, nếu mục đích chỉ để nhắm đến nhóm đối tượng nhất định như vậy thì sẽ không làm giảm giá bất động sản. Bởi cho dù đánh thuế, người mua hay các nhà đầu tư chỉ giảm tần suất mua nhà, giảm số lượng giao dịch khiến thị trường bớt nóng chứ giá cả thực tế vẫn leo thang", bà An nhận định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, sử dụng thuế bất động sản cũng giống như việc dùng thuốc, sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn nếu như không dùng đúng cách và đúng liều lượng.

Xét tại Việt Nam, đánh thuế một cách "đại trà" thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số người dân có nhu cầu mua để ở thực, bởi chính họ là người sẽ chịu các khoản thuế phí cuối cùng. Mặt khác, những gia đình làm việc chăm chỉ, tích góp nhiều năm muốn mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 cho con cái, tuy nhiên khi chưa sử dụng đến họ cho người khác thuê. Như vậy, đó vẫn là những mục đích hoàn toàn hợp lý, giúp ích cho xã hội.

Theo bà An, thuế có thể là công cụ hỗ trợ Nhà nước điều tiết thị trường, tuy nhiên sử dụng ở mức độ nào, trong thời gian bao lâu hay khi nào thì bắt đầu thực thi thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ. Khi chúng ta đánh thuế hợp lý, thị trường cũng sẽ phát triển ổn định, minh bạch hơn.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển, vì mới chỉ có 38% dân số ở đô thị, so sánh con số này với các nước trong khu vực là 60%. Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn cần phải phát triển bất động sản về nhu cầu nhà ở đô thị. Nếu như áp thuế "không đúng không trúng" sẽ dẫn đến hệ lụy làm cản trở sự phát triển bình thường của thị trường.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng khẳng định, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận nhà ở. Nguy hiểm hơn là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế như bài học đang diễn ra ở Trung Quốc.

Theo Tienphong

Bạn đang xem: Đánh thuế BĐS thứ 2: Cần nhưng không vội

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết