Chở nước biển lên núi nuôi cua, 9X dân tộc Thái kiếm hơn nửa tỷ mỗi năm
Đi hơn 80km để chở nước biển lên núi nuôi cua, anh Lương Anh Thiện ở trú thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã thành công với mô hình này và mang về nguồn thu nhập ổn định 50 triệu đồng/tháng.
Anh Lương Anh Thiện (SN 1994, dân tộc Thái) đang là cán bộ công tác tại Công an huyện Thường Xuân. Ngoài thời gian làm việc, anh thường xuyên mày mò, tìm hiểu các mô hình trên mạng Internet.
Năm 2021, qua tìm hiểu, nhận thấy việc nuôi cua biển trong hộp nhựa có thể triển khai được ở gia đình nên anh bắt tay thực hiện mô hình này, với mong muốn người dân địa phương miền núi Thường Xuân có thể dùng được cua biển tươi ngon.
Anh Thiện đang kiểm tra cua nuôi trong hộp nhựa.
Để chuẩn bị cho mô hình nuôi cua, hàng ngày, đi làm về anh lại mày mò học cách nuôi, chăm sóc cua trên mạng. Từ những kiến thức học được, anh quyết định đầu tư gần 1.000 hộp nhựa cùng hệ thống máy bơm, lọc nước.
Theo anh Thiện, nuôi cua trong hộp nhựa không tốn về diện tích chuồng trại. Với 1.000 hộp nhựa, anh xây dựng chuồng trại chỉ với diện tích vỏn vẹn 150m2. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý xa, từ nhà xuống biển Sầm Sơn lấy nước anh phải di chuyển hơn 80km.
Những con cua đang được anh vỗ béo.
“Các hộp nhựa được xếp thành tầng, cua nuôi trong hộp nhựa là loại cua đã trưởng thành nhưng lượng thịt ít được đưa về để vỗ béo và nuôi lột. Nuôi cua trong hộp nhựa không cần phải nhiều nước. Hệ thống thực hiện theo nguyên lý tuần hoàn dưỡng khí và tạo oxy. Thức ăn thừa và chất cặn bẩn được ngăn bởi hệ thống lọc và cung cấp trở lại lượng nước biển sạch bảo đảm cho cua sinh trưởng và phát triển ổn định”, anh Thiện chia sẻ.
Theo anh Thiện, lứa đầu tiên anh nuôi thử nghiệm 100 con và đã thành công, lợi nhuận thu được hơn 10 triệu đồng. Đến nay, cơ sở nuôi của anh nuôi trung bình khoảng hơn 1.000 con/vụ, gồm cua thịt và cua lột.
Anh Thiện kiểm tra chất lượng nước.
“Cua thịt được nuôi 30-40 ngày có thể xuất bán ra thị trường, cua lột khoảng 20 ngày. Hàng tháng, tôi xuất bán ra thị trường hơn 300kg cua thịt với giá 350.000-450.000 đồng/kg và 30kg cua lột với giá trên 800.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 50 triệu đồng”, anh Thiện cho biết.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Thiện không chỉ mang lại kinh tế cao, mà anh còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới, anh dự kiến mở rộng quy mô nuôi lên gấp 3.
Nuôi cua trong họp nhựa không tốn nhiều về diện tích. (Ảnh: Lê Dương)
Anh Thiện nhận xét, nuôi cua trong hộp không khó. Mỗi con cua sẽ được nuôi trong một hộp nên ít có khả năng lây nhiễm bệnh. Thức ăn cho cua thường là cá tạp, ngao, ốc bươu vàng, cá rô phi băm nhỏ...
Ông Lục Đăng Hỏa, Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân, đánh giá việc nuôi cua biển trong hộp nhựa của anh Thiện là mô hình kinh tế mới lạ, lần đầu áp dụng trên địa bàn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Với nhu cầu hiện nay, cơ sở nuôi cua của anh Thiện có thời điểm không đủ hàng bán ra thị trường. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ ngày một phát triển để phục vụ người dân. Đây cũng là cơ sở để các hộ muốn đầu tư đến học hỏi”, ông Hỏa nói.
Bạn đang xem: Chở nước biển lên núi nuôi cua, 9X dân tộc Thái kiếm hơn nửa tỷ mỗi năm
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 35.000 đồng/con cua 'mềm từ đầu tới chân', khóc cười mua hải sản online
- Loại cua nhập từ Trung Quốc giá tiền triệu, Việt Nam cũng có, chỉ từ 300 nghìn đồng/kg
- Cua biển và cá kèo ở Cà Mau giảm giá, người nuôi vẫn... vui
- Cua hoàng đế giảm giá mạnh đến gần 1 triệu đồng/kg, khách vẫn “quay lưng”
- Cua của giới thượng lưu Trung Quốc tràn chợ Việt, giá gần 1 triệu đồng/kg
- Giảm gần 1 triệu đồng/kg, cua hoàng đế vẫn ế khách