Giá vàng chạm đỉnh cao mới 87,5 triệu đồng, sức mua vẫn lớn, giá còn lên nữa?

Giá vàng càng tăng, lập các đỉnh cao lịch sử mới, sức mua càng lớn. Trong nước, xuất hiện tình trạng xếp hàng mua vàng và bị giới hạn lượng mua. Nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn cao nhất 9 năm. Vậy điều gì đang xảy ra?

Giá vàng vọt lên 87,5 triệu đồng/lượng, nhu cầu cũng lập đỉnh

Trong phiên giao dịch ngày 7/5, giá vàng miếng SJC lập đỉnh cao lịch sử mới 87,5 triệu đồng/lượng. So với cuối năm ngoái, giá vàng SJC tăng thêm 13,5 triệu đồng/lượng (tương đương 18,2%). Đây là một cú bứt phá hiếm có trong nhiều năm qua và là mức tăng vượt trội so với thế giới.

Giá vàng SJC tăng dù Nhà nước có nhiều biện pháp ổn định thị trường vàng, từ đấu thầu tăng cung, tăng cường kiểm tra giá… Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đang được nới rộng trở lại.

Tính tới 13h30' ngày 7/5, giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới quy đổi (theo tỷ giá 25.455 đồng/USD của Vietcombank) khoảng 15,8 triệu đồng/lượng, cao hơn so với mức chênh 11-12 triệu đồng/lượng trong tuần thứ 3 của tháng 4 trước khi diễn ra phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Giá vàng chỉ còn thấp hơn không nhiều so với mức chênh kỷ lục 18-20 triệu đồng/lượng hồi cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Giá vàng trong nước vẫn tăng rất mạnh và liên tục lập đỉnh cao kỷ lục mới trong những phiên gần đây dù giá vàng thế giới đã chững lại, giảm về ngưỡng 2.315 USD/ounce (tương đương khoảng 71,7 triệu đồng/lượng) sau khi lập đỉnh gần 2.430 USD/ounce hôm 12/4.

Sức cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh. Trong phiên 7/5, nhiều cửa hàng vàng tại Hà Nội lại xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng mua. Các đơn vị kinh doanh vàng phải giới hạn số lượng mỗi người được mua chỉ vài chỉ, thậm chí yêu cầu khách trình thêm căn cước công dân.

Theo Bảo Tín Minh Châu, trong buổi sáng, tại các cơ sở kinh doanh, lượng khách có tỷ lệ 55% mua vào và 45% khách bán ra. Đây cũng là tình trạng chung được biết đến ở nhiều cửa hàng tại Hà Nội. Tới chiều, số lượng khách đến bán rất ít, trong khi người mua còn nhiều.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, sức cầu vàng trên phạm vi toàn cầu vẫn tăng, trong quý I/2024 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn. Đây cũng là quý I tăng mạnh nhất trong 9 năm qua.

Hoạt động mua vàng tăng cao ở khu vực châu Á, bất chấp giá vàng thế giới tăng mạnh kể từ cuối năm 2023. Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu cũng tăng nhanh.

Giá vàng chạm đỉnh cao mới 87,5 triệu đồng, sức mua vẫn lớn, giá còn lên nữa?-1

Sức cầu mua vàng tại Việt Nam trong quý I cao nhất từ năm 2015. Ảnh: Hoàng Hà

Cũng theo Hội đồng Vàng thế giới, sức mua liên tục của ngân hàng trung ương và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng châu Á đã đẩy giá vàng trung bình hàng quý lên mức cao kỷ lục 2.070 USD/ounce, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so với cùng kỳ quý trước. Trong quý I, các ngân hàng trung ương mua thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ.

Cũng giống như thế giới, sức cầu mua vàng tại Việt Nam trong quý I cao nhất từ năm 2015.

Điều gì đang xảy ra, vàng có thể lên 100 triệu đồng/lượng?

Sức cầu đối với vàng gia tăng bất chấp giá liên tục lập đỉnh cao mới trong thời gian vừa qua, diễn ra trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. 

Thông thường khi USD mạnh sẽ gây áp lực giảm giá lên vàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi giá cả hàng hóa lạm phát lên cao ở nhiều nước, vàng được xem là một kênh trú bão cho dòng tiền.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND tăng liên tục trong hơn 4 tháng đầu năm. Giá USD tự do tăng mạnh, có lúc lên gần 26.000 đồng/USD. Trên hệ thống ngân hàng, USD có lúc lên gần 25.500 đồng/USD. Từ đầu năm tới ngày 7/5, tỷ giá USD/VND ngân hàng tăng 4,25%.

Việc các đồng tiền nội tệ, trong đó có VND mất giá, là nguyên nhân chính khiến sức cầu đối với vàng gia tăng. Bên cạnh đó, những bất ổn địa chính trị cũng góp phần khiến dòng tiền chảy vào vàng.

Một yếu tố cũng góp phần khiến vàng càng hút dòng tiền là sự thiếu vắng của các kênh đầu tư hấp dẫn ở vào thời điểm hiện tại. Nhiều loại tài sản trong đó có chứng khoán, bất động sản, tiền số… được cho là có thể đã "bong bóng". Một lượng tiền lớn được các nước bơm ra kích thích kinh tế giai đoạn đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch… khiến cho giá các loại tài sản đều tăng quá mức.

Giá vàng thế giới gần đây được hỗ trợ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất lần thứ 6 liên tiếp ở mức 5,25% đến 5,5% nhưng bác bỏ khả năng nâng lãi suất hôm 1/5. 

Giới chuyên gia dự báo, Fed có thể quay đầu giảm suất từ tháng 9 và sớm nhất có thể là tháng 7. Như vậy, đồng USD có thể sẽ treo ở mức cao trong vài tháng nữa, trước khi chịu áp lực giảm theo chính sách tiền tệ nới lỏng. Vàng khi đó sẽ được hỗ trợ tích cực. Áp lực đối với vàng thế giới được cho là chỉ trong ngắn hạn.

Về dài hạn, đa số chuyên gia vẫn dự báo, vàng đang trong một xu hướng "uptrend". Vàng được dự báo có thể lên 3.000 USD/ounce (92,9 triệu đồng/lượng) trong năm tới và thậm chí có thể lên 10.000 USD/ounce (tương đương hơn 300 triệu đồng/lượng) trong các năm sau đó. Thế giới được dự báo vẫn sẽ khó khăn trong các năm 2025-2027.

Tuy nhiên, áp lực tỷ giá ở các nước được dự báo sẽ suy giảm trong nửa cuối năm nay. Tại Việt Nam, theo Chứng khoán MBS, tỷ giá USD/VND sẽ sớm hạ nhiệt. Thị trường hiện dự báo cho lần hạ lãi suất đầu tiên của Fed sẽ xảy ra trong cuộc họp tháng 9, với mức giảm mỗi lần khoảng 0,25% đưa lãi suất về mức 4,75%-5% vào cuối năm.

Tỷ giá USD/VND gần đây ổn định sau hàng loạt biện pháp cân bằng áp lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN nước tăng mạnh cường độ hút tiền về. Hôm 6/5, NHNN hút ròng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở.

VND ổn định hơn và lãi suất huy động được dự báo tăng 50-70 điểm phần trăm trong nửa cuối năm (theo MBS) sẽ giúp giảm sức cầu đối với vàng và giúp giá vàng bớt căng thẳng.

Bạn đang xem: Giá vàng chạm đỉnh cao mới 87,5 triệu đồng, sức mua vẫn lớn, giá còn lên nữa?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết