Ông bố bủn rủn chân tay khi xem máy tính của con trai

Cứ 40 giây, thế giới lại có một người tự sát. Đây là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất hiện nay.

Theo số liệu thống kê tại Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.

40 giây có người tự sát

Theo nghiên cứu năm 2012 tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát lứa tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm 15-19 tuổi ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.

Nam sinh N.C.H. (trú tại Hà Nội) được người nhà đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia khám vì bố vô tình phát hiện con tìm các cách thức tự sát trên mạng.

Người nhà cho biết phần lớn thời gian của H. là đi học. Bố mẹ và con cái ít có thời gian trò chuyện. Một lần, bố của H. vô tình xem máy tính của con, phát hiện trên lịch sử tìm kiếm đều là các nội dung về tự sát. H. tìm các từ khóa tự sát bằng cách nào, uống thuốc ngủ, tự sát bằng NO2, tự sát bằng thuốc,…

Khi thấy lịch sử tìm kiếm của con, người bố lo lắng bủn rủn chân tay. Cả gia đình bối rối. Bố mẹ của H. vội vàng đưa cậu vào bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ.

May mắn nhờ được bác sĩ điều trị, hỗ trợ một thời gian, tâm lý của H. ổn định. Cậu yêu đời hơn và không còn ý tưởng tự sát như trước.

Theo BSCKII Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe Tâm thần, tự sát là hành vi có chủ ý tự gây nên cái chết. WHO cho rằng tự sát gồm có ý tưởng tự sát, toan tự sát, và tự sát thành công. Ý tưởng tự sát bị động hoặc chủ động. Toan tự sát là tự hành động làm hại bản thân để tìm tới cái chết nhưng không thành công.

Ông bố bủn rủn chân tay khi xem máy tính của con trai-1

Trẻ tìm kiếm các nội dung trên mạng liên quan các vấn đề tiêu cực, hủy hoại bản thân không còn hiếm.

Theo bác sĩ Hà, có khoảng một triệu người chết do tự sát mỗi năm. 40 giây trên thế giới có một ca tự sát hoàn thành. Tự sát ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Nhóm tuổi tự sát là ở khoảng 35-40 tuổi ở cả hai giới. Thường một người tự sát hoàn thành trước đó đã có 10-20 lần toan tự sát.

Một kết quả nghiên cứu của Mỹ từ năm 1999 đến 2019, con số tỷ lệ tự sát ở nam giới luôn cao hơn nữ giới. Đến năm 2020 tự sát được xem là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong.

Bác sĩ Hà cho biết thời gian gần đây, nhiều vụ tự sát xảy ra cả ở học sinh cấp 2, cấp 3. Đây là hồi chuông cảnh báo gia đình cần để ý đến vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.

Dấu hiệu cảnh báo tự sát

Theo bác sĩ Hà, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, chán sống nhưng họ ít được người thân để ý. Vì vậy, việc quan sát những người xung quanh để nhận biết dấu hiệu tự sát rất quan trọng.

Thứ nhất, các dấu hiệu xuất phát từ cá nhân có mong muốn, ý tưởng tự sát. Họ có thể nói rằng họ thấy tội lỗi, gánh nặng cho người xung quanh. Họ có cảm xúc trống rỗng, tuyệt vọng, không có lý do để sống, buồn bã cực độ, lo lắng, giận dữ. Họ cũng đang trải qua nỗi đau về thể xác và tinh thần. Người xung quanh có thể quan sát rõ các ý tưởng, hành vi tìm các cách thức ý thức để chết.

Thứ hai, thay đổi quan sát hành vi cá nhân. Cá nhân đó thu rút với mọi người, nói lời từ biệt hoặc có thể có hành vi nguy hiểm như lái xe với tốc độ cao, cảm xúc dao động vui - buồn nhanh, ăn hoặc ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Có thể quan sát cá nhân đó có sử dụng rượu, thuốc lá, các chất gây nghiện khác nhiều hơn bình thường.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hà, các yếu tố nguy cơ thúc đẩy ý nghĩ tự sát đó là bệnh nhân trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, có tiền sử toan tự sát, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính,… đây là các đối tượng hay có ý định tự sát.

Gia đình cần để ý các sang chấn tâm lý của người bệnh như kích động, có các sự kiện thúc đẩy hành vi tự sát, suy nghĩ không ổn định.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân.

PGS Tuấn cũng nhấn mạnh việc quản lý thông tin mạng cũng cần được lưu ý. Trước đây, tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản,… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát. Tức là người bệnh đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử từ đó có hành vi tương tự. Một người bị sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người.

Bạn đang xem: Ông bố bủn rủn chân tay khi xem máy tính của con trai

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết