Loại virus khiến trẻ có thể bị đột quỵ ngay trong bụng mẹ

Khi vừa chào đời, Benjamin không thể bú, đầu teo lại và được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt. Các bác sĩ cho rằng virus CMV là thủ phạm gây ra tình trạng này, dù nó vốn vô hại.

Loai virus khien tre co the bi dot quy ngay trong bung me

Đa số trẻ chào đời với CMV bẩm sinh không nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp virus gây tử vong hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: CDC.

Năm 2016, Maricarmen Aguilar, ở North Dakota, Mỹ, phát hiện con trai mắc bệnh tâm thần phân liệt rất hiếm gặp, khiến não có khe hở. Bà mẹ này càng bất ngờ hơn khi biết nguyên nhân đến từ loại virus mà cô nhiễm phải trong thời gian mang thai. Benjamin, 6 tuổi, con trai của cô, bị lây virus từ mẹ.

Loại virus có thể đặc biệt nguy hiểm với bà bầu

Theo Insider, Maricarmen Aguilar muốn cho con bú nhưng Benjamin không thể ngậm ti. Tại thời điểm đó, em bé vừa chào đời 2 ngày và bà mẹ này biết có điều gì đó không ổn.

Sau đó một tuần, các bác sĩ nhận thấy đầu của Benjamin nhỏ đi. Họ cho rằng em bị tật đầu nhỏ và giới thiệu cho gia đình một bác sĩ ở thành phố khác cách nơi họ sống 4 giờ đi xe. Tại đây, Benjamin được chẩn đoán mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt - tình trạng rất hiếm gặp gây ra khe hở trong não.

Các bác sĩ đã kiểm tra để tìm cytomegalovirus (còn được gọi là CMV). Đây là virus phổ biến lây nhiễm cho 1/3 trẻ em và 50% người lớn ở Mỹ. Hầu hết trường hợp không có triệu chứng. Song, nó có thể đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.

Loai virus khien tre co the bi dot quy ngay trong bung me-Hinh-2

Benjamin hiện 6 tuổi nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ vừa chào đời. Ảnh: Insider.

Các bác sĩ kết luận Maricarmen Aguilar đã nhiễm CMV khi mang bầu, mặc dù cô không nhớ mình bị bệnh khi nào. Trong quá trình mang thai và sinh con, virus đã truyền từ mẹ sang đứa trẻ. Tình trạng này không quá hiếm, xảy ra với khoảng 1/200 trường hợp mang thai. Song, với Benjamin, hậu quả gây ra quá thảm khốc. Các bác sĩ còn tiết lộ em bị đột quỵ ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ.

“Tôi đã bị chấn thương tâm lý ngay lúc đó. Khi bác sĩ giải thích, tôi chỉ thấy miệng họ cử động và nghe thấy âm thanh, nhưng không thể hiểu được gì”, bà mẹ nhớ lại.

Các bác sĩ không thể cho Maricarmen Aguilar biết liệu Benjamin sẽ sống thêm một tuần nữa hay đến tuổi trưởng thành. Dù thế nào, em cũng sẽ gặp nhiều vấn đề trong suốt cuộc đời.

Hai năm sau khi Benjamin chào đời, Maricarmen Aguilar có đứa con thứ 2. Rút kinh nghiệm từ lần mang thai đầu, cô chuẩn bị kỹ, xét nghiệm sàng lọc tiền sản. Điều may mắn là con gái Rebecca hoàn toàn phát triển bình thường.

Benjamin hiện 6 tuổi nhưng vẫn chỉ như một đứa trẻ sơ sinh. Em bị mù, điếc và không nói được. Niềm vui của cặp vợ chồng tại Mỹ là khi em biết ngẩng cao đầu, với tay lấy đồ chơi.

Tháng 8, lần đầu tiên Benjamin biết bò và Maricarmen Aguilar đã không giấu nổi giọt nước mắt. Cặp vợ chồng bắt đầu sử dụng các mẫu màu sáng để con chỉ “có” hoặc “không”. Mặc dù chậm hơn các bạn, khi con học cách giao tiếp, Maricarmen Aguilar vẫn rất choáng ngợp và tự hào.

Virus gắn với người bệnh suốt đời và thường vô hại

Theo Mayo Clinic, Cytomegalovirus (CMV) là loại virus phổ biến. Một khi bị nhiễm, cơ thể sẽ giữ lại virus này suốt đời. Hầu hết người bệnh không biết họ bị nhiễm CMV vì nó hiếm khi gây ra vấn đề ở những người khỏe mạnh.

CMV tồn tại ở 2 chu kỳ: Thể ngủ và giai đoạn hoạt động trở lại. Khi cơ thể khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động. Chỉ cần hệ miễn dịch bị suy giảm, virus này có thể tái hoạt động, gây bệnh lý cho cơ thể.

Ở phụ nữ mang thai hoặc hệ miễn dịch yếu, CMV là virus đáng lo ngại. Những phụ nữ bị nhiễm CMV thể hoạt động trong thai kỳ có thể truyền virus sang con. Từ đó, trẻ nhiễm bệnh và có các triệu chứng.

Với những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt người đã cấy ghép nội tạng, tế bào gốc hoặc tủy xương, nhiễm CMV có thể gây tử vong.

Năm 2021, khoa Điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) ghi nhận một trẻ vừa chào đời đã tử vong vì nhiễm CMV trong bụng mẹ. Bé trai chào đời và nặng 2,7 kg. Tuy nhiên, ngay sau đó, trẻ có biểu hiện toàn thân vàng nhợt, ban tím vùng lưng, mặt, tim đập rời rạc… Các bác sĩ đã cấp cứu và điều trị tích cực nhưng bệnh nhi không qua khỏi.

Trước đó, sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, ra máu chuyển dạ… Khi chẩn đoán trước sinh, các bác sĩ nhận thấy hình ảnh thai nhi trên siêu âm có dấu hiệu bất thường như ối ít, gan to, ruột non tăng âm vang… Sau khi xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ kết luận sản phụ nhiễm virus CMV trước khi chuyển dạ dẫn đến thai nhi tử vong.

Loai virus khien tre co the bi dot quy ngay trong bung me-Hinh-3

Trẻ vừa chào đời có thể bị nhiễm CMV do virus truyền từ mẹ sang thai nhi. Ảnh: CDC.

CMV lây lan từ người này sang người khác qua chất dịch cơ thể, chẳng hạn máu, nước bọt, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Không có cách chữa trị cho virus này nhưng một số loại thuốc có thể dùng để điều trị triệu chứng.

CMV chỉ có thể được truyền khi nó đang "hoạt động". Virus được kích hoạt sang thể hoạt động khi:

  • Người bị nhiễm CMV lần đầu tiên. Trẻ nhỏ thường bị nhiễm CMV lần đầu tiên ở nhà trẻ.
  • Virus đã "tái kích hoạt" ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Người bị tái nhiễm, với loại (chủng) CMV khác.
  • Phụ nữ mang thai có thể truyền nhiễm CMV "đang hoạt động" cho thai nhi. Trường hợp này còn được gọi là CMV bẩm sinh.

    Triệu chứng

    CMV thường không gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể gặp các triệu chứng giống cúm trong lần đầu tiên nhiễm CMV, như sốt cao, đau cơ, mệt mỏi, phát ban, viêm họng, sưng hạch bạch huyết...

    Các triệu chứng thường thuyên giảm mà không cần điều trị trong vòng 3 tuần. Song, nếu đang có thai hoặc có hệ miễn dịch suy yếu, bạn nên tới gặp bác sĩ khi có những triệu chứng giống cúm.

    Hiện không có phương pháp điều trị CMV trong thai kỳ. Trong hầu hết trường hợp, virus này không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho em bé.

    Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị trong các trường hợp:

  • Trẻ được chẩn đoán mắc CMV bẩm sinh khi vừa chào đời.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Những người được cấy ghép tế bào gốc.
  • Thuốc điều trị làm virus suy yếu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng, song không chữa khỏi CMV.

    Trẻ sơ sinh mắc CMV bẩm sinh có thể được làm các xét nghiệm để kiểm tra thận, gan, não, mắt và thính giác, đồng thời tái khám định kỳ cho đến khi trẻ được 5 tuổi.

    Cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm CMV khi mang thai là:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước - đặc biệt là sau khi thay tã, cho trẻ nhỏ bú hoặc lau mũi.
  • Thường xuyên rửa đồ chơi hoặc các vật dụng khác có thể dính nước bọt hoặc nước tiểu của trẻ nhỏ.
  • Tránh dùng chung đồ ăn, dao kéo và ly uống nước hoặc đưa đồ chơi của trẻ em vào miệng.
  • Tránh hôn trẻ
  • Theo Bảo Hân/Zing

    Bạn đang xem: Loại virus khiến trẻ có thể bị đột quỵ ngay trong bụng mẹ

    Chuyên mục: Mẹ & Bé

    Chia sẻ bài viết